Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tại An Farm Hội An

2.1 Kỹ thuật trồng

Phương pháp trồng bằng hạt giống:

Các loại cây được trồng bằng hạt giống như: Húng quế, đu đủ, hoa atiso đỏ, hoa đậu biếc, mướp, bầu, bí,…

Kỹ thuật:

  • Làm đất tơi xốp, làm sạch cỏ dại và lên luống.
  • Dựa vào điều kiện thời tiết để quyết định việc có nên ngâm hạt giống với nước ấm hoặc không. Vào mùa mưa và lạnh thì có thể ngâm hạt giống với nước ấm từ 2 – 4h trước khi gieo trồng.
  • Rải hạt giống lên bề mặt của luống đã chuẩn bị, sau đó rải một lớp đất phủ trên bề mặt của luống.
  • Tưới nước cho thấm đất và duy trì độ ẩm của đất trong khoảng 1 tuần sau khi gieo hạt.
  • Đối với các loại cây cần ươm hạt giống như đu đủ thì ta chuẩn bị khay hoặc chậu ươm và giá thể để đảm bảo rễ của cây con khi đem trồng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

Phương pháp trồng bằng cây con:Đối với lá dứa, hoa đậu biếc.

Phương pháp trồng bằng củ:Đối với nghệ, gừng.

Kỹ thuật tương tự phương pháp trồng bằng hạt giống.

Phương pháp trồng bằng thân, nhánh:

Những loại cây có thể trồng bằng thân, nhánh ví dụ như: Bạc hà, cỏ ngọt, hương thảo, xô thơm, oải hương, xạ hương, lá lốt,…

Kỹ thuật:

  • Chuẩn bị đất/ giá thể: Đem đất trộn với phân ủ, tưới nước ẩm trong khoảng vài ngày.
  • Cắt lấy 1 đoạn thân, nhánh.
  • Trồng thân, nhánh cây vào đất/ giá thể đã được chuẩn bị, nếu thời tiết nắng nóng thì nên trồng sâu thân xuống đất.
  • Tưới nước đều mỗi ngày.

2.2 Chăm sóc

Dọn cỏ

Cỏ được dọn bằng tay hoặc cuốc. Cỏ sau khi dọn được đào hố và chôn sâu xuống đất (khoảng 30cm).

Nên dọn cỏ thường xuyên, không để cỏ lên quá cao sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Tưới nước:

Mùa nắng:Tưới ít nhất 2 lần/ 1 ngày, mỗi lần khoảng 1 tiếng.

Thời gian: Từ 6h – 7h và từ 10h30 – 11h30.

Mùa mưa:Tưới 1 lần/ 1 ngày.

Thời gian: Tùy theo thời tiết, sau khi mưa vẫn tưới đều, mục đích để rửa sạch đất cát bám trên lá.

Bón phân:

Phân ủ

  • Nguyên liệu: Thành phần chính là phân bò được ủ nóng cùng với rơm rạ hoặc lá cây, thân cây họ đậu,…
  • Cách ủ: Cách đơn giản nhất là vun đống lại và che phủ bạt.
  • Sau 1 tuần đến 10 ngày phải tưới nước cho ẩm. Vi sinh vật sẽ hoạt động và phân hủy phân, tạo thành các chất dinh dưỡng dễ hấp thụ cho cây.
  • Thời gian ủ: Ít nhất là 2 tháng, thời gian ủ càng lâu phân càng hoai mục, chất lượng càng tốt, cây càng dễ hấp thụ. Nếu thời gian ủ quá ngắn, phân còn tươi thì khi bón vào đất nó sẽ phân hủy sinh nhiệt làm nóng đất, nóng cây, có thể gây hại đến cây trồng.
  • Hoặc có thể mua phân bò ủ hoai bán sẵn, không dùng phân bò còn tươi.

Các loại cây phân xanh

  • Thân và lá của những loại cây họ đậu có thể vùi trong đất để làm phân xanh cho đất. Thân lá dưới tác động của vi sinh vật sẽ tự hoai mục thành các chất dinh dưỡng tốt cho cây.
  • Ngoài ra, rễ của những loại cây họ đậu có khả năng kết hợp với vi sinh vật trong đất tạo ra các nốt sần, cố định đạm trong không khí, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất và tốt cho cây.

Phân trùn quế

  • Là phân bón sản xuất từ chất thải thu hoạch được sau khi con trùn quế (hay còn gọi là giun quế, giun đỏ) ăn các chất hữu cơ.
  • Đây là một loại phân hữu cơ đặc biệt có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, là một loại phân tự nhiên tốt. Quá trình sản xuất của phân trùn được gọi là ủ sâu (worm composting), có thể thực hiện với quy mô nhỏ để xử lý rác thải hữu cơ tại các gia đình như rau củ trái cây thừa, chuyển đổi chúng thành phân bón cho cây trồng.

Đặc điểm và tác dụng

  • Hoàn toàn không có chất gây hại, cũng như không cần phải trộn thêm bất kỳ chất gì khác.
  • Khác với phân bón hoá học, phân trùn quế có chất nhầy giun nên không dễ bị xối khỏi đất, giúp cây có thời gian hấp thụ chất dinh dưỡng lâu hơn.
  • Phân trùn quế qua cơ thể giun được làm giàu thêm các vi khuẩn có lợi, giúp tăng sức đề kháng cho cây và đẩy lùi sâu bệnh.
  • Phân trùn quế rất phù hợp với cây trồng giúp cây khỏe hơn, giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu.
  • Phân trùn quế có chứa hoocmon giúp cây tăng trưởng tốt.
  • Có tác dụng như keo, giữ lượng nước tới 9 lần khối lượng nhưng vẫn tự nhiên, giúp bốc hơi chậm và luôn có nước cho cây.
  • Với phân trùn quế, dinh dưỡng được lưu trữ và phát ra chậm với lượng vừa đủ cho cây cần, giúp toàn bộ quá trình cung cấp dinh dưỡng kéo dài.
  • Phân trùn quế có độ pH trung tính khoảng 6,86% – 7%.
  • Phân trùn quế cung cấp các loại chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng như đạm 1,57%, lân hữu hiệu 1,24%, kali hữu hiệu 0,67%, canxi 2,14%, magiê 0,52%. Ngoài ra, phân trùn quế còn chứa các nguyên tố vi lượng khác như đồng, sắt, mangan. Những chất này có thể được cây hấp thu ngay mà không gây nóng cây như một số loại phân chuồng khác.
  • Các chất khoáng, vi lượng này giúp tạo màu, mùi, hương vị và tăng dược tính của các loại thảo mộc, thảo dược.

2.3 Các yếu tố kỹ thuật cần lưu ý khi chăm sóc khu vườn hữu cơ

  • Trong khu vườn hữu cơ, tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, hóa chất nào vì chúng sẽ gây hại cho đất, cho vi sinh vật trong đất và tồn dư các hóa chất độc hại trong rau, củ, quả, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.
  • Xem việc chăm sóc đất, hệ vi sinh vật đất là việc quan trọng trong nông nghiệp hữu cơ, vì thế phải thường xuyên tưới nước, trồng cây, che phủ, hạn chế để đất trơ trọi trong thời gian dài, hạn chế cày xới đất quá sâu, chỉ cuốc xới nhẹ khi làm cỏ và lên luống.
  • Thường xuyên lưu giữ hạt giống và nhân giống các loại hoa trong vườn để thu hút các loài động vật, côn trùng có lợi đến thụ phấn cho cây, tiêu diệt các côn trùng có hại giúp duy trì và phát triển hệ sinh thái bền vững, cân bằng cho khu vườn.
  • Duy trì việc trồng xen các loại cây họ đậu để cải tạo đất và làm phân xanh giúp cây trồng phát triển như cây lục lạc sợi, đậu ván, đậu đỏ, đậu biếc,…
  • Trồng nhiều loại cây có tinh dầu như sả, hành, húng quế,… để làm hàng rào sinh thái hiệu quả, giảm bệnh cho cây trồng.
  • Luân canh cây trồng, hết mỗi mùa vụ thì cần thay đổi loại cây trồng để giảm sâu bệnh và giúp cây phát triển tốt, cân bằng dinh dưỡng.
  • Chăm sóc và duy trì cây ở khu vực hàng rào để tạo ra một hàng rào cây xanh phát triển tốt đảm bảo ý nghĩa cách ly với môi trường xung quanh, tạo ra tiểu khí hậu cho khu vườn hữu cơ sinh thái.
  • Thường xuyên cắt tỉa các loại cây để đảm bảo không gian sống hài hòa cho các loài cây trong vườn.

2.4 Lưu giữ hạt giống và nhân giống cây trồng

  • Các loại cây trong vườn có thể lưu giữ và nhân giống bằng hạt như: Hoa đậu biếc, lục lạc sợi, atiso đỏ, đậu ván, đậu đũa, đu đủ, hoa bướm.
  • Hạt giống sau khi thu hái, được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời và bảo quản trong túi giấy kín ở nơi khô ráo, sạch sẽ, sử dụng lâu nhất trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *